Khát vọng xanh của chàng kỹ sư trẻ xứ Nghệ

Với quyết tâm lập nghiệp ở quê hương, Hồ Xuân Vinh, sinh năm 1987, ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp, sáng tạo khoa học của thanh niên xứ Nghệ. Khát vọng vươn lên của chàng kỹ sư ‘nông dân’ đã mở hướng thoát nghèo cho hàng nghìn người dân ở vùng đất khó.

Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, sau một thời gian làm việc tại một tập đoàn ở Thủ đô với mức lương khá cao, Hồ Xuân Vinh vẫn quyết tâm trở về quê hương để thực hiện những dự định ấp ủ của mình.

Năm 2013, sau khi quyết định về quê lập nghiệp, nhận thấy được tiềm năng, lợi thế của huyện Quỳnh Lưu về vật liệu xây dựng, anh bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế ra dây chuyền sản xuất gạch không nung thay thế cho gạch thủ công. Mày mò nghiên cứu, với các giải pháp sáng tạo yêu cầu vật liệu phổ biến giá rẻ và tái chế được, quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không xả thải khí độc ra môi trường, anh nảy ra ý tưởng sử dụng dùng bụi đá do các công ty khai thác đá để sản xuất gạch không nung.

Với ý tưởng này, năm 2017, Vinh được chọn làm chủ nhiệm dự án “Sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Ðây là dấu ấn đầu tiên trên hành trình lập nghiệp tại quê nhà của anh.

Dù đã sở hữu 11 bằng sáng chế độc quyền, 16 sáng chế đã được chấp nhận đơn trong 10 năm qua, nhưng với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, Vinh luôn ham học hỏi, say mê sáng tạo và tiếp tục thiết kế, sản xuất nhiều dòng máy cải tiến như: máy gạch Terrazzo mâm xoay, máy gạch Leho từ đất đồi, máy cấp liệu sản xuất gạch sinh thái tự chèn, máy ép gạch đất đồi, máy sản xuất gạch sinh thái tự chèn, máy gạch tự ghép, máy trộn bê-tông tươi, trạm trộn bê-tông… Ðặc biệt, anh liên tiếp cải tiến, phát triển dòng máy ép gạch cơ lên dòng máy ép gạch công nghệ thủy lực hai chiều rồi máy ép gạch thế hệ thứ 9 với tính năng tự động hoàn toàn.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, với nghị lực không ngơi nghỉ, Vinh đã góp phần đưa xã Quỳnh Văn là điểm sáng trong Chương trình 567 của Chính phủ về phát triển gạch không nung, là xã duy nhất và đầu tiên của cả nước có làng nghề gạch không nung bền vững, tạo sinh kế cho hàng trăm cơ sở sản xuất và việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Tính đến năm 2021, các dây chuyền sản xuất vật liệu không nung đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố và xuất khẩu đi tám nước trên thế giới. Sản lượng máy cung cấp ra thị trường năm sau luôn cao hơn năm trước, lượng khách hàng mới liên hệ với công ty ngày càng tăng.

Tạo được tiếng vang ở mảng vật liệu xây dựng, song Vinh vẫn không ngừng trăn trở với sinh kế của người dân. Ðã không ít lần chàng kỹ sư “nông dân” này tự vấn: Tại sao nguồn nguyên liệu từ cây chuối ở địa phương không được khai thác triệt để? Vì sao ở vựa dứa Quỳnh Lưu, người dân chỉ thu hoạch quả, còn lại phần lá và thân cây dứa bị bỏ đi?

Từ những quan sát thực tiễn, anh đã nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các dây chuyền công nghệ chế biến sợi chuối, dứa. Dây chuyền có thể chẻ, tách sợi từ thân chuối, biến bẹ chuối thành một lượng sợi lớn làm nguyên liệu cho nhiều ngành ở Việt Nam như ngành sợi thời trang, bao bì, giấy.

Ngoài ra, phần bã chuối tưởng bỏ đi được anh nghiên cứu công nghệ ép tách bã khô và nước, sau đó nước sẽ được ủ lên men để thành nước dinh dưỡng giàu kali là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, còn bã có thể làm các loại bát, dĩa, khay dùng một lần, hay ủ làm phân hữu cơ bón lại chính các vườn chuối… vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Tại Nghệ An, máy tách sợi đã giúp người dân huyện Quỳnh Lưu có thêm thu nhập. Từ việc tách sợi tơ dứa, mỗi gia đình có thêm khoảng 45 triệu đồng/ha trồng dứa. Ðặc biệt, máy tách sợi đã đoạt giải ba trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nghệ An lần thứ 16 năm 2021. Ðây là mô hình kinh tế xanh bền vững, mở ra cơ hội việc làm cho người dân trồng dứa, trồng chuối khắp Việt Nam.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, Vinh “tham vọng” muốn đưa muối phơi cát tại địa phương ra thị trường nước ngoài. Với gần 600 ha diện tích sản xuất muối toàn huyện Quỳnh Lưu, mục tiêu của anh trong thời gian tới là sáng chế dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến sâu giúp tăng giá trị hạt muối, đem lại nhiều giá trị hơn cho diêm dân ở địa phương, đồng thời khẳng định được giá trị nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Từ ý tưởng sáng chế ra dây chuyền thiết bị chế biến sâu, hiện nay, Vinh đang ấp ủ dự án phát triển 10.000 cơ sở chế biến sâu các mặt hàng nông sản tại Việt Nam. Theo chia sẻ của Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu Ðặng Ngọc Minh: Không chỉ là gương sáng về khởi nghiệp, sáng tạo khoa học, Hồ Xuân Vinh còn là đảng viên gương mẫu, hoạt động sôi nổi công tác Ðảng, công tác Ðoàn, là “Ðảng viên trẻ tiêu biểu” tỉnh Nghệ An năm 2021…
Nguồn: https://dbndnghean.vn/emagazine/guong-mat-tre-tieu-bieu-toan-quoc-ho-xuan-vinh-sang-tao-de-cong-hien-4578.htm
https://congthuong.vn/ky-su-nong-dan-ho-xuan-vinh-kien-tri-se-cho-trai-ngot-154088.html
https://dantocmiennui.vn/chang-ky-su-tre-ho-xuan-vinh-voi-khat-vong-xanh/317764.html

Tags: , , , , , , ,